Bà chuốt từng chiếc lá dong, mẹ nắm đậu xanh nhuyễn, bố đảo những lát thịt lợn thái dày đã tẩm ướp gia vị, cả nhà cùng quây quần gói bánh chưng Tết.
Chuẩn bị gói bánh chưng, mẹ tôi sớm đặt mua vài nắm lá dong, thịt và đậu xanh. Từ đêm hôm trước, đậu xanh đã được đồ chín. Gạo nếp vo sạch để ráo nước. Sáng sớm, bố ngồi rửa sạch những chiếc lá dong xanh mướt, để róc nước. Thịt thái to bản bằng bàn tay, đủ bì, mỡ, nạc, tẩm ướp gia vị, hạt tiêu thơm. Chiều 29 Tết, cả nhà trải chiếu ra giữa sân, cùng mấy gia đình gói bánh chưng.
|
Những chiếc bánh chưng nhà làm bao giờ cũng ngon hơn hẳn. Ảnh: Khánh Hòa. |
Bà chuốt từng chiếc lá dong xanh mướt, lấy khăn lau sạch mặt lá, trải lên chiếc mâm tròn. Một bát gạo nếp trắng tinh rải trên mặt lá, nắm đậu xanh nhuyễn vàng óng ả, nóng hổi, một lát thịt to bản rồi lại một nắm đậu xanh và một bát gạo nếp. Tất cả gói lại trong chiếc lá dong, vuông thành, đứng cạnh, không theo khuôn mà đều nhau tăm tắp. Bánh gói xong, dùng lạt mềm cuốn chặt đủ bốn góc. Chẳng mấy chốc, gạo, đậu, thịt, lá đã gói thành hơn hai chục chiếc bánh chưng đẹp xếp bên cạnh.
Lũ chúng tôi ngồi bên bà, bắt chước gói bánh. Mỗi đứa tự tay gói những chiếc bánh cho riêng mình. Đứa nào thích đậu cho thêm đậu, đứa nào thích ăn thịt, cho thật nhiều thịt. Bánh gói mỗi đứa một kiểu rồi tự đánh dấu để cho vào nồi. Bà gói bánh chưng xong, còn thừa gạo, thừa đậu, lại làm những chiếc bánh chưng nhỏ cho lũ cháu. Gần 2 tiếng đồng hồ, bánh đã xếp tròn trong chiếc nồi gang. Bố đặt lên bếp củi cháy trong góc vườn, đổ nước đầy nồi, luộc bánh.
|
Những chiếc bánh chưng của ngày Tết dưới bàn tay của các bà, các mẹ. Ảnh: Ngoisao. |
Những tối ngồi trông nồi bánh chưng luôn là những kỷ niệm tuyệt vời nhất. Quanh nồi bánh sôi lục bục, lũ nhóc chúng tôi bắc ghế ngồi quanh với vô số món ăn cần bếp lửa. Mẹ để sẵn một rổ đầy khoai lang, khoai tây, ngô, sắn, trứng gà để vùi than. Những cái que tranh nhau cời bếp. Trên nắp nồi bánh chưng là một chậu nước để sẵn cho nóng. Cạn nước trong nồi lại đổ thêm nước vào đun.
Ngồi bên bếp than hồng ăn khoai lang nướng đen xì những đôi môi, nghe ông kể chuyện. Trong ánh lửa tí tách reo vui, những đôi bàn tay nhỏ xíu tạo hình trên vách tường nhà. Nào là chú chó đang sửa, con rắn đang trườn mình, nào là con chim bồ câu đang bay… háo hức chờ bánh của mình chín đến quên cả đi ngủ. Bên bếp lửa ấm, bố cho phép ngồi trông nồi bánh chưng, nhưng thế nào đến tang tảng sáng, cũng có đứa ngủ gật. Ngày Tết mới được thức khuya đến thế.
Tảng sáng, mùi bánh đã thơm lừng, quyện trong hương thơm mùi già ngai ngái. Những chiếc bánh con con được bố vớt ra trước vì đã chín, để trong chiếc rá cho ráo nước. Lũ trẻ con mặt mũi nhem nhuốc màu củi than háo hức nhìn sản phẩm đầu tay.
Bánh to được vớt ra sau, để ráo và lau sạch. Bánh được lèn chặt để ép hết nước và không bị hỏng. Bà và mẹ đưa những chiếc bánh đầu tiên của lũ nhỏ lên bàn thờ cúng gia tiên. Bánh chưng làm xong phải được thắp hương cúng ông bà rồi mới được ăn. Hương tàn, mẹ đưa lại cho chúng tôi, những chiếc bánh đủ các kiểu hình ngộ nghĩnh. Chẳng đứa nào dám ăn vì tiếc, cứ cầm theo chơi trong mấy ngày Tết. Bánh chưng to được trang trọng đặt trên bàn thờ, trong bữa cơm cúng tất niên và trong những ngày Tết đến xuân sang.
|
Những đêm trông nồi bánh chưng luôn là những kỷ niệm không phai mờ trong ký ức lũ trẻ nhỏ chúng tôi. Ảnh: ngoisao. |
Chiếc bánh chưng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày Tết giờ đã ít người tự làm. Các gia đình giờ đây đều không có thời gian gói bánh, luộc bánh và mỗi nhà cũng chỉ có 4 chiếc bánh cúng năm mới. Bánh bán sẵn ngoài chợ, trong siêu thị với đủ giá cả, chất lượng. Hương vị Tết xưa ít nhiều phai nhạt. Nhưng trong ký ức của những đứa trẻ đã từng lớn lên quanh nồi bánh chưng như chúng tôi năm nào, Tết vẫn còn vẹn nguyên trong cành đào thắm, hương mùi già và chiếc bánh chưng xanh.
Lam Linh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét